Vừa qua trong môn học Luật dân sự 2, dưới sự chủ trì và giám sát của giảng viên bộ môn ThS. Hồ Thị Thanh Trúc, sinh viên Khóa 20 ngành Luật Kinh tế đã tổ chức thành công phiên tòa giả định dựa trên một vụ tai nạn giao thông thực tế, có nhiều tình tiết, bằng chứng gây tranh cãi. 

Sinh viên NIIE khóa 20 ngành Luật kinh tế đã có màn hóa thân xuất sắc vào các vị trí quan trọng của một phiên tòa sơ thẩm hình sự thực tế.

Sinh viên NIIE khóa 20 ngành Luật kinh tế đã có màn hóa thân xuất sắc vào các vị trí quan trọng của một phiên tòa sơ thẩm hình sự thực tế.

Tham gia phiên tòa giả định, các bạn sinh viên NIIE đã được “hóa thân” vào các vai diễn Chủ tọa, Hội thẩm, Thư ký, Nhân chứng, Bị cáo, Kiểm sát viên, Đại diện bị hại, Luật sư bị hại, Luật sư bị cáo, Cảnh sát tư pháp. Với mục tiêu đào sâu, khai thác về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra, xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm hại (Điều 591 Bộ luật dân sự 2015) trong 1 vụ án hình sự, ThS. Hồ Thị Thanh Trúc đã đưa ra tình huống như sau: 

“Sinh viên M điều khiển xe máy khi không có giấy phép lái xe, va quẹt cùng chiều với một xe máy do chị B điều khiển làm cả hai ngã ra đường, bạn sinh viên chỉ bị bong gân chân nhưng chị B đập đầu xuống vỉa hè, được đưa vào bệnh viện và tử vong sau 1 ngày nhập viện. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, vết cày trên đường và vết sướt trên hai xe, cho thấy sinh viên M đã đụng từ phía sau xe chị B, tốc độ cao nên khi va quẹt, xe của M xoay 1 vòng ngược chiều xe chị B. Không có đoạn clip nào ghi lại cảnh hiện trường vụ việc. Nhưng có 1 nhân chứng là bà V khai rằng đã nhìn thấy toàn bộ diễn biến vụ tai nạn và thấy M tông chị B từ phía sau. Vì thế cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố và toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử.”

Bị cáo đang trả lời các câu hỏi được đưa ra bởi thẩm phán và hội đồng

Bị cáo đang trả lời các câu hỏi được đưa ra bởi thẩm phán và hội đồng

Từ tình huống đã cho, các bạn sinh viên NIIE đã xây dựng một phiên tòa nghiêm túc, chỉn chu theo đúng quy trình xét xử sơ thẩm thực tế. Bầu không khí căng thẳng, cao trào của phiên tòa cũng đã được các cử nhân Luật tương lai tái hiện rõ nét trong phần xét hỏi – tranh biện. Những chi tiết dù là nhỏ nhất từ bằng chứng, nhân chứng đã được đưa ra để phân tích kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, những câu hỏi quan trọng được chủ tọa đưa ra để giải quyết khúc mắc, tìm kiếm sự thật sau cùng.

Hình ảnh Luật sư bị cáo và Luật sư bị hại đang chuẩn bị trước khi bước vào phần tranh luận căng thẳng

Hình ảnh Luật sư bị cáo và Luật sư bị hại đang chuẩn bị trước khi bước vào phần tranh luận căng thẳng

Không thể thiếu đó là phần bào chữa của Luật sư để bảo vệ thân chủ của mình dựa trên bằng chứng và cơ sở pháp lý. Qua đó, mỗi sinh viên tham dự đều được củng cố lại kiến thức đã học; hiểu hơn về Luật hình sự đối với vi phạm quy định khi tham gia giao thông, Luật dân sự về xác định thiệt hại; biết ứng dụng luật pháp một cách linh hoạt cũng như nắm rõ quy trình diễn ra một phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự.

Kết thúc phiên tòa giả định, ThS. Hồ Thị Thanh Trúc cho biết cô cảm thấy hài lòng khi thấy các bạn sinh viên có thể đưa ra các lập luận sắc bén, ứng dụng được kiến thức Luật dân sự, Luật hình sự một cách linh hoạt để mang đến một mức án phạt hợp lý, đúng người, đúng tội và đúng với luật pháp hiện hành. Về phần vai diễn, vì các bạn mới là sinh viên năm 2 nên vẫn còn tương đối ngượng ngùng, rụt rè, nhưng nhìn chung thì vẫn rất tốt trong việc bộc lộ cảm xúc của từng nhân vật trong phiên xét xử. Ngoài ra, cô cũng cho biết phiên tòa giả định lần này còn đóng vai trò tuyên truyền, giúp các bạn sinh viên nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức khi tham gia giao thông.

———————————————

VIỆN ĐÀO TẠO QUỐC TẾ – ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH (NIIE)

GLOBAL LEARNING – GLOBAL SUCCESS

Địa chỉ: 458/3F Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0934 116 244 / 0938 116 244

Email: niie@ntt.edu.vn